Chủ trì cuộc họp hoàn thiện Thông tư Quy định quản lý và tổ chức
dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục
thường xuyên sáng 8/2, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Phải làm sao để
giáo viên trở thành nhà giáo dục trên mạng chứ không phải nhà công nghệ, đồng
thời phải tạo ra văn hóa chất lượng trong dạy học trực tuyến”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp
Trong bối cảnh thế giới ngày càng chú trọng
ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức dạy học, góp phần đổi mới phương pháp,
kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và hướng đến thúc đẩy chuyển
đổi số; đồng thời trước tình hình dịch Covid-19 khiến học sinh, sinh viên không
thể đến trường, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã giao các đơn vị chuyên môn dự thảo Thông
tư chính thức công nhận phương thức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ
thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Hiện nay, dự thảo Thông tư đang trong giai
đoạn hoàn thiện để ban hành.
Đánh giá cao trách nhiệm các thành viên Ban
soạn thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là Thông tư mới, khó nên đòi
hỏi thời gian chuẩn bị lâu, quá trình soạn thảo cẩn trọng. Bộ trưởng đề nghị
Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, rà soát chặt chẽ nhằm đảm bảo
tính pháp lý và thiết thực của các quy định.
Lưu ý tới các điều kiện để triển khai dạy học
trực tuyến, Bộ trưởng yêu cầu cần tiếp tục bổ sung vào kho học liệu số các bài
giảng có chất lượng. Cụ thể, mỗi địa phương huy động, khuyến khích giáo viên
giỏi thực hiện các bài giảng và số hóa các bài giảng này theo hướng dẫn của Bộ
để nhanh chóng có được kho bài giảng điện tử phủ khắp các môn học phổ thông.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh kiện toàn sổ học bạ
điện tử thống nhất trên toàn quốc. Bộ trưởng cho rằng, khuyến khích nắm bắt
thời cơ của giáo dục trực tuyến nhưng cũng phải rất chú trọng tới tính toàn
diện, bổ trợ nhưng không thay thế, không lạm dụng, chỉ trong điều kiện bất khả
kháng mới áp dụng dạy học trực tuyến toàn phần ở bậc phổ thông.
Để giáo viên có thể bắt nhịp với xu hướng dạy
học trực tuyến, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chuyên môn có hướng dẫn cụ thể cho
giáo viên, tạo thành cẩm nang chia sẻ chung thống nhất. “Phải làm sao để giáo
viên trở thành nhà giáo dục trên mạng chứ không phải nhà công nghệ, đồng thời
phải tạo ra văn hóa chất lượng trong dạy học trực tuyến”, Bộ trưởng nêu rõ.
Đối với học sinh, Bộ trưởng lưu ý, cần nâng
cao nhận thức của học sinh đối với việc học trực tuyến, trong đó chú trọng bảo đảm
an toàn cho học sinh trên môi trường mạng. Riêng ở những cấp học, lớp học được
coi là “còn lúng túng” trong triển khai dạy trực tuyến như cấp mầm non, hay lớp
1, lớp 2, Bộ trưởng đề nghị cần có hướng dẫn cho giáo viên, học sinh và phụ
huynh để tham gia phối hợp thực hiện.
“Dạy học trực tuyến phải được hiểu là
phương thức mở rộng, hỗ trợ cho dạy học trực tiếp và tạo điều kiện để cá thể
hóa hoạt động giáo dục. Vì vậy, đây không phải hoạt động nhất thời thực hiện
khi có dịch bệnh mà sẽ còn trải rộng và có lộ trình triển khai, phù hợp với
từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các điều kiện đảm bảo chất lượng”, Bộ
trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Dự kiến, Thông tư Quy định quản lý và tổ chức
dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục
thường xuyên của Bộ GDĐT sẽ có 3 mức độ áp dụng hình thức dạy học trực tuyến
là: Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; Dạy học trực tuyến thay thế
một phần quá trình dạy học trực tiếp; Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá
trình dạy học trực tiếp.
Theo Trung tâm Truyền thông
Giáo dục - Bộ GDĐT